Dự án tư vấn hệ thống logistics xuất nhập khẩu tỉnh Cao Bằng

Sáng 21/3/2018, tại Hội trường UBND tỉnh, Sở Khoa học và Công nghệ, Ban tư vấn chính sách cấp tỉnh phối hợp với Trường Đại học Thương mại tổ chức Hội thảo khoa học “Thực trạng, dự báo tiềm năng xuất nhập khẩu và khả năng thích ứng giữa hệ thống dịch vụ logistics với năng lực xuất nhập khẩu qua khu kinh tế cửa khẩu tỉnh Cao Bằng”. Tham dự có đại diện các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố; Tổ công tác Đại học Thương mại; các thành viên thuộc tỉnh tham gia Đề tài; Thành viên Ban tư vấn chính sách cấp tỉnh. Đồng chí Hoàng Giang, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ; PGS.TS Nguyễn Hoàng Việt (ĐH Thương Mại) – Chủ trì Hội thảo Khoa học.

Tại Hội thảo các đại biểu đã nghe các nội dung về thực trạng và tiềm năng xuất nhập khẩu hàng hóa tỉnh Cao Bằng; thực trạng hệ thống giao thông vận tải Cao Bằng; Mô hình lý thuyết Khu trung chuyển logictics cửa khẩu tỉnh Cao Bằng; Thực trạng dịch vụ logictics đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu: Nghiên cứu khảo sát điều tra các cửa khẩu tỉnh Cao Bằng.

Theo đó, Cao Bằng có đầy đủ điều kiện, tiềm năng để phát triển kinh tế cửa khẩu, đặc biệt là hoạt động XNK, phục vụ nhu cầu trung chuyển hàng hóa qua cửa khẩu phía Bắc. Ngoài ra, tiến trình đẩy nhanh hội nhập kinh tế cho phép tỉnh Cao Bằng có điều kiện thuận lợi hơn trong phát triển hệ thống dịch vụ hậu cần logistics. Theo quyết định tổng thể phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Cao Bằng đến năm 2020, định hướng 2025, dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) bình quân đạt khoảng 14,2% năm giai đoạn 2016 – 2020 và khoảng 13,4% giai đoạn 2021-2025; kim ngạch xuất khẩu bình quân từ 18-20%. Tuy nhiên, các hoạt động logistics từ sản xuất đến kho chứa, vận tải, phân phối lưu thông… đã phát triển từ nhiều năm nay nhưng còn ở trình độ manh mún và phân tán, mới dừng lại ở dạng lắp ghép cơ học chủ quan và tự phát hình thành hệ thống logistics. Việc xây dựng Khu trung chuyển hàng hóa tại tỉnh Cao Bằng nhằm mục tiêu xây dựng hệ thống đồng bộ để cung cấp những dịch vụ hỗ trợ xuất khẩu, như tiếp nhận, đóng gói, bảo quản, làm thủ tục kiểm dịch, thông quan…

Tại Hội thảo, các đại biểu đã chỉ ra các lợi thế của tỉnh Cao Bằng trong việc phát triển dịch vụ logistics. Các đại biểu cũng thẳng thắn nêu lên các hạn chế của dịch vụ logistics Cao Bằng như: hệ thống giao thông chưa đồng bộ, nhất là tuyến giao thông các huyện biên giới; hệ thống bến, bãi, cảng chưa đáp ứng được yêu cầu của sự phát triển diện tích kho bãi hạn chế, chưa có khu trung chuyển, cảng cạn… Trên cơ sở đó, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận và bàn bạc các giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh nhằm phát triển dịch vụ logistis trên địa bàn liên quan đến các vấn đề về đầu tư kết cấu hạ tầng, cải cách thủ tục hải quan, xúc tiến đầu tư, đào tạo nguồn nhân lực…

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Giáo sư – Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Việt khẳng định, trong thời gian tới, nhóm nghiên cứu tiếp tục nghiên cứu và tiếp cận mang tính chất điển hình dựa trên các kinh nghiệm của các mô hình khu trung chuyển logistics quốc tế. Nghiên cứu về xuất nhập khẩu tại Cao Bằng trong quan hệ hữu cơ với cả vùng, đặc biệt trong vấn đề về kết nối giữa tuyến vành đai kinh tế Đông Tây, để xác định được định hướng, tiềm năng xuất nhập khẩu trong trung hạn và dài hạn của tỉnh…

Nguồn: Cao Bằng