Hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề Quản trị chiến lược dựa trên tri thức trong khu vực Đông Nam Á: Thách thức, nhân tố và triển vọng

Thực hiện kế hoạch khoa học công nghệ năm 2011 về tổ chức các hội thảo khoa học, ngày 9/5, Trường đại học Thương mại đã tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề: Quản trị chiến lược dựa trên tri thức trong khu vực Đông Nam Á: Thách thức, nhân tố và triển vọng. hội thảo khoa học quốc tế

Hội thảo nhằm mục đích đưa ra những phân tích, nhận diện các hệ thống quản trị chiến lược dựa trên tri thức cho các doanh nghiệp, tổ chức, quốc gia và vùng lãnh thổ nhằm nâng cao sức cạnh tranh, phát triển trong bối cảnh mới; phân tích và nhận diện những kinh nghiệm, bài học từ các nước phát triển về quản trị chiến lược dựa trên tri thức; xây dựng những tiêu chí để đánh giá hệ thống tri thức của doanh nghiệp, ngành, quốc gia, vùng lãnh thổ; phân tích các cách thức áp dụng kinh tế tri thức trong chiến lược cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam và Châu Á.

Hội thảo có sự tham gia của các thành viên của Hiệp hội Quốc tế Pháp ngữ về Kinh tế tri thức, đại diện của Tổ chức Phát triển Công nghiệp của LHQ, đại diện của Tổ chức Pháp ngữ Quốc tế cùng sự có mặt của các nhà nghiên cứu của trường đại học Thương mại, các nhà giáo, nhà khoa học, các nhà nghiên cứu của các trường đại học, các viện nghiên cứu có liên quan; các nhà hoạch định chính sách, nhà quản lý của các Bộ, ngành; các nhà quản lý của một số tổng công ty, tập đoàn, doanh nghiệp trong nước.

Hội thảo như một diễn đàn trao đổi thông tin, kinh nghiệm, bình luận từ các bài tham luận của các diễn giả. Sau phần diễn văn khai mạc và đề dẫn của GS.TS. Đinh Văn Sơn, Hiệu trưởng Nhà trường và PGS.TS. Bùi Xuân Nhàn, Phó Hiệu trưởng, là tham luận của ông Sandoval, Phó Chủ tịch AIFIE với chủ đề Tri thức như là trụ cột chiến lược mang tính quyết định của các chủ thể công và tư: các cách nhìn chéo. Tiếp theo là các tham luận của các nhà nghiên cứu trong trường và của GS. Eric Valin, chuyên gia AIFIE với những trao đổi sôi nổi, thẳng thắn.

Phiên buổi chiều bắt đầu bằng tham luận của bà Anne Marie Brigaud, chuyên gia AIFIE với chủ đề: Các chỉ số đánh giá kinh tế tri thức theo lãnh thổ: vai trò của Nhà nước và tầm quan trọng của liên kết xã hội. TS. Phan Thanh Tú (Công ty tư vấn HKT) báo cáo tham luận “Lý thuyết và quy trình học tập trong tổ chức” và cuối cùng là báo cáo tham luận của ThS. Mai Thanh Lan về “Quản trị chiến lược nguồn nhân lực dựa trên tri thức trong bối cảnh mới của các doanh nghiệp Việt Nam”.

Sau mỗi phần trình bày tham luận của các nhà khoa học, Hội thảo đã có những ý kiến trao đổi hết sức sôi nổi, thẳng thắn trên tinh thần khoa học, hợp tác. Các bài tham luận đã tiếp tục làm rõ khái niệm, các lý thuyết và vai trò của thông tin và tri thức trong tiến trình quản trị chiến lược của doanh nghiệp. Đặc biệt phần trình bày tham luận của GS. Anne Marie Brigaud đến từ Hiệp hội pháp ngữ về kinh tế tri thức đã chia sẻ cho Hội nghị những quan điểm mới, hấp dẫn về các chỉ tiêu đánh giá “tri thức cạnh tranh”, mô hình quản trị tri thức trong phạm vi 1 vùng lãnh thổ và vai trò của Nhà nước cũng như tầm quan trọng của sự liên kết xã hội đối với sự phát triển của nền kinh tế. Ngoài ra tham luận của TS. Phan Thanh Tú , Cty HKT Consultant, cũng đã chia sẻ cho Hội nghị về quy trình chung học tập để tạo ra tri thức của 1 tổ chức.

Bên cạnh phần trình bày và trao đổi về các mô hình lý thuyết về quản trị tri thức doanh nghiệp, về nền kinh tế tri thức, các tham luận cũng đã đề cập đến sự cần thiết của các mô hình quản trị chiến lược nói chung và quản trị chiến lược nguồn nhân lực nói riêng dựa trên tri thức và định hướng ứng dụng các mô hình này trong các doanh nghiệp Việt Nam.

Ngoài ra các tham luận và các ý kiến trao đổi đã tiếp tục nêu lên những kinh nghiệm trong vấn đề quản trị chiến lược dựa trên tri thức từ các doanh nghiệp, các quốc gia trên thế giới (đặc biệt là kinh nghiệm của Pháp) và bài học rút ra cho các doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh hiện nay. hội thảo khoa học quốc tế